Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa thải ra đại dương/năm, đứng thứ 4 trên thể giới về thải rác nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Những con số kinh hoàng
Một bảng xếp hạng mới vừa gọi tên “Việt Nam”: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn nhựa được thải ra đại dương/năm. Và tình trạng lạm dụng đồ nhựa dùng một lần vẫn gia tăng mọi nơi.
Một con số đáng chú ý khác từ Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đưa ra tại hội thảo giữa năm 2019. Theo FAO, ước tính có 1,8 triệu tấn chất thải nhựa được tạo ra ở Việt Nam/năm, trong khi lượng nhựa tiêu thụ ước tăng 16-18%/năm.
Tại một số vùng biển ở nước ta, trong mỗi mẻ lưới kéo lên, cứ 3 phần cá thì có 1 phần rác thải nhựa.
Mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa (chiếm 6% toàn thế giới), đứng thứ 4 thế giới – đại diện Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc công bố thông tin này tại hội thảo quốc tế tham vấn xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương sáng 10/12. Các nước đầu bảng lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Philippines.
Chỉ một phần nhỏ trong số rác thải nhựa nói trên được thu gom, tái chế, còn lại được chôn lấp cùng với rác thải hoặc vứt bỏ ở khắp nơi. Biển là một trong những điểm đến cuối cùng của túi nylon.
Khi đã được xả ra biển, rác thải nhựa phải mất tới hơn 400 năm để có thể phân hủy. Theo thống kê, cứ mỗi phút trôi qua lại có hơn 1.000 chiếc túi nylon được tiêu thụ. Việc hạn chế, tiến tới không còn rác thải nhựa đang là biện pháp khẩn thiết để bảo vệ đại dương và cũng chính là bảo vệ tương lai của thế hệ mai sau.
Thực tế, hầu như mọi người đều biết việc sử dụng sản phẩm nhựa như cốc dùng 1 lần, túi ni-long, ống hút nhựa,… có hại cho môi trường, mất nhiều năm để phân hủy, nhưng chúng ta vẫn dùng và việc sử dụng này ngày càng nhiều.
Theo các chuyên gia, rác chỉ được thu gom 70% tại các thành phố và chỉ 40% tại nông thôn. Các bãi chôn lấp đều ở trong tình trạng quá tải.Trong bối cảnh cơn khủng hoảng rác thải nhựa đang bức bối, thì việc thiếu chỗ chôn lấp rác thải cũng là một thực trạng báo động ở Việt Nam.
Đơn cử như các khu xử lý rác thải ở Đà Nẵng, Huế, Hà Nội đang quá tải; còn hai bãi rác chôn lấp ở thành phố Hạ Long thì đóng cửa vì ô nhiễm. Đối với Đà Nẵng, đô thị hơn một triệu dân mỗi ngày hứng từ 900 đến 1.000 tấn rác sinh hoạt. Dự kiến đến năm 2025, lượng rác sẽ tăng lên khoảng 1.800 tấn. Còn riêng với Hà Nội, theo báo cáo của Sở Công thương, mỗi ngày, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố từ 5.500-6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8-10% (tương đương 60 tấn).
Chúng ta đừng thờ ơ!
Để giảm thiểu túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, tại Hà Nội, các trung tâm thương mại, siêu thị đã chung tay kí cam kết chống rác thải nhựa. Theo đó, các trung tâm thương mại, siêu thị phấn đấu đến ngày 31/12/2020, 100% không dùng túi nilon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh.
Đại diện các doanh nghiệp ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng (Ảnh: Báo Tài nguyên Môi trường).
Phát biểu tại Hội nghị “Phát động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng” diễn ra sáng 28/6, tại Hà Nội, bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Hà Nội sẽ thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng 1 lần bằng các sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại nguồn; phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy”.
Bên cạnh mục tiêu đó, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải có công nghệ hiện đại tiên tiến để giải phóng áp lực rác sinh hoạt nói chung và rác nhựa nói riêng. Về vấn đề này, ông Đặng Huy Đông – Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: “Việc phân loại rác ban đầu gần như không có nên các công nghệ xử lý rác hiện nay không thể đáp ứng được. Nhà máy rác rất hiện đại ở Sóc Sơn (Hà Nội) hoạt động được một tháng phải tạm ngừng vì lý do này”.
Ngoài ra, mỗi người dân cần nâng cao ý thức của bản thân và gia đình trong việc chung tay giảm thiểu rác thải nhựa. Chúng ta biết nilon nguy hại thế nào với sức khỏe, chúng ta nghe nhiều về hạt vi chất nhựa xâm nhập cơ thể, chúng ta được cảnh báo thường xuyên về sự tấn công của rác thải nhựa đối với môi trường sống. Vậy nhưng chúng ta vẫn còn thờ ơ với việc thay đổi thói quen sử dụng nhựa dùng một lần và xả rác bừa bãi nơi công cộng.
Chỉ cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tiết giảm sử dụng nhựa, tìm sản phẩm khác thay thế, tăng cường tái sử dụng, tái chế là chúng ta đã góp phần bảo vệ hành tinh xanh ngay từ hôm nay!
Nguồn: Tổng hợp